Tấm ảnh cropped từ nguyên tấm ảnh film bự của Quỳnh. Quỳnh bảo “con chụp cô, chứ không chụp Thầy!” nên mình đã mạnh dạn xoá người đàn ông lu mờ ra khỏi ảnh.
Thiệt ra cũng không biết sao cuốn tạp chí trên tay lại có tên “Trường không chuyên”, tại chỉ kịp vơ lấy làm màu chụp hình tại Thư viện 5 sao của Phổ thông Năng Khiếu.
Thề có trời có đất, có mười mấy con người trong lớp Văn và 500 anh em của văn phòng Đoàn là hồi xưa đi học ở Năng Khiếu chỉ có viết Văn (học đội tuyển) và hoạt động Đoàn.
Mình kiểu vẫn vênh vênh tự đắc “Thời đó ai mà không biết ĐNPL!!!”
Người – sắp – làm – chồng: “Không nha! Lớp anh ngoài anh chắc không ai biết em đâu.”
Hốt hoảng liền: “Trời ơi chào cờ người ta đứng trên bục 1 cục nói oang oang mà không biết là sao!”
Người – sắp – làm – chồng: “Thề. Tụi lớp anh ngồi chào cờ giải bất đẳng thức không hà, không có dòm ai đâu!”
Vâng, ngồi chào cờ cũng giải bất đẳng thức.
Còn mấy đứa con gái lớp Văn thì chắc ngồi chào cờ lấy thơ điên của Bùi Giáng ra đọc.
Mấy đứa lớp Sinh thì ngồi cười hí hí vì những hình ảnh cơ thể học sinh động tụi nó mới tập vẽ.
Mấy đứa lớp Hoá thì ngồi cân bằng mấy phương trình hoá học siêu khủng kiểu mỗi vế có đâu 800 chất.
Còn mấy đứa lớp Lý, Tin, Anh thì cũng thuộc hệ bàn chuyện robot, công nghệ siêu hình nào đó ngoài tầm hiểu biết của mình rồi.
Ở trường chuyên là vậy đó, mấy bậc quái nhân nào có biết ai trên trần gian này.
Không phải chảnh, mà là bị đam mê với những thứ bản thân cho rằng hoặc sẽ thay đổi thế giới, hoặc sẽ đổi đời.
Bỗng một ngày ngó lại, thấy nhớ hình hài mình lúc 17 tuổi. Đam mê cùng tận.
Bốc đồng cùng tận.
Nhớ Năng Khiếu đến lạ kỳ.
Chỗ đó hồi mình đi học chỉ có một thư viện bụi bặm với bao nhiêu là sách quý, mình thường mượn mấy cuốn sách “Toán nâng cao” về làm chơi 🥹 chứ thề chưa bao giờ mượn cuốn sách Văn nào ở nơi đây.
Chỗ đó hồi mình đi học là 1 ĐNPL tóc dài, chuyên gia mặc áo dài có đúng 30 phút chào cờ, đi thay áo dài ra lúc nào cũng còn mỗi cái áo, về Nội la “quần đâu?” “con đâu có biết!” 🥹
Chỗ đó mấy đứa lớp Hoá gọi mình là “công tử Tàu” vì một bím tóc dài lúc nào cũng cùng một kiểu.
Thế giới đổi thay rồi nha các bạn yêu dấu, tớ dậy thì thành công rồi các cậu ạ :-)))) và giờ tớ cứ đi khoe khoang về chuyện tớ sắp có chồng – may cũng là từ Năng Khiếu, không là tớ quên mất Năng Khiếu luôn rồi ấy…
Định mệnh.
Áo tím mới hốt ngay ở Gia Hung Tailorshop – người quen của chồng sắp cưới – Cô chủ tiệm may rẹt rẹt trong 1 nốt nhạc ạ. Khách đến tham quan chỉ việc đo xong rồi đi dạo chụp ảnh đủ 8 vòng là đến nhận áo ạ.
Em còn kịp đặt may áo cùng màu cho các Mẹ ở gia đình em.
Ảnh 2 đứa em do Mẹ Nguyen Thi Minh Hang chụp…đẹp vô độ nên em phải khoe ngay ạ.
Mọi người đến chơi Hội An ghé tiệm Cô Cường chơi nha.
#linhvàtônởHộiAn
#đitớiđâucũngrầnrầnhà
Lần đầu tiên về trường cũ với Phương Linh Đào Nguyễn.
#Nơitagặpnhaulầnđầu
Em tự hỏi bao giờ thế giới mới vận hành theo đúng mong cầu của nhân thế về bình đẳng, về văn minh?
October 13, 2022Hồi nhỏ em hung dữ lắm, nhưng càng lớn lên em thấy cuộc đời ngoài kia nhiều người hung dữ hơn em nữa, thế là em thành người – lành.
Thấy đẹp đẹp vậy chứ đang sấp mặt khi quay trở lại cuộc đời ạ. vì tự dưng mình thấy mình lành – tính ghê gớm trước muôn vàn éo le của thế sự, thế là đâm ra sấp mặt.
Mặt em vầy mà hôm qua về Năng Khiếu, bảo vệ chặn lại bảo em này học sinh về thay đồ đi rồi mới cho vô (em thích liền).
Mặt em vầy mà mấy anh làng xã hỏi em chớ năm nay nhiêu tuổi rồi mà không biết gì hớt.
Em chỉ biết khám bệnh em bé thôi ạ.
Nói chuyện gì lung tung quá ngoài sở trường là em #đoảng liền, nói văn thơ nhạc hoạ khoa học muôn loài thì em hưởng ứng, và xin cuộc đời ơi đừng có #viết_tắt khi nói chuyện với em. Em bị OCD – ai viết tắt em đọc không hiểu là em quạu liền, tánh em hung hăng lắm ☺️
Em tự hỏi bao giờ thế giới mới vận hành theo đúng mong cầu của nhân thế về bình đẳng, về văn minh?
Chắc là khó.
Em trăn trở xíu cho đau đầu chơi thôi, chứ em vẫn còn nhiều hình đẹp để xem nên em vui lắm ạ.
Dù lúc viết bài này, em đang mặc bộ đồ luộm thuộm nhất trần gian, nhưng chồng sắp cưới của em bảo rằng em lại đẹp nhất khi lao động nên em tin ạ.
Mọi_người_nhớchia_sẻ_lớp_tiếng_Nhật_Hoa_của_Thầy_nhà_em_chiêu_sinh_nhưng_khôngđứng_lớp_nha
https://www.facebook.com/1479654037/posts/10221130019268323/
Buồn làm chi em ơi
Photo: một chiếc ảnh không son phấn, chỉ được điểm trang bằng một nụ cười thật tươi, vì người chụp làm cho mình hạnh phúc.
và mình đã tắt hết chữ sau một tuần quá dài.
ĐỨC DỤC
Tuy cấp 3, mình cũng là dân PTNKer đồ, nhưng mình ham chơi hơn ham học. Mình là dân đội tuyển Văn – đội tuyển này ngoài đọc sách, nghe bình thơ và viết Văn thì có làm gì khác đâu. Lúc mang phù hiệu 11 Văn và 12 Văn, mình chỉ làm Bí thư và viết Văn mà thôi.
Vậy nên mình không có nhu cầu học thêm các môn khác.
Kiểu tạo hoá xoay vần thế nào, cô sinh viên Văn khoa 18 tuổi rởm đời lại phẫn chí bỏ Văn chương mà đi theo con đường Y học. Sách giáo khoa cải cách sin thành cos, cos thành sin, tự luận sang trắc nghiệm…vậy làm sao để đậu đại học thêm lần nữa? Lại là đại học Y dược mới chịu.
Đường đời lắm nỗi trái ngang.
Câu chuyện còn nhiều hồi kịch tính, nhưng thôi cắt bỏ. Chủ yếu là trước khi vào Đại học Y dược, mình đã có 1 tháng học ở 218 Lý Tự Trọng. (Tại sao chỉ một tháng thì đó lại là một câu chuyện kịch tính khác. Đời dramaqueen là có thật!)
Trong 1 tháng vô cùng ngắn ngủi đó, mình đi học với tất cả trầm tư u uất của cô gái Văn chương chuyển hướng. Tất cả những gì mình học ở 218 trong một tháng ngắn ngủi đó, mình không còn nhớ gì, nhưng duy dáng hình và tiếng nói của vị hiệu trưởng trong một tiết học ĐỨC DỤC, lại còn mãi trong tim mình. Tới tận bây giờ, trong tất cả các giờ thảo luận với mentee, sinh viên, Ba Mẹ em bé, mình đều lặp lại những điều mình nhớ trong giờ Đức dục nọ.
Cô giáo nọ lạ lắm.
Có lẽ chưa bao giờ cô bé 18 tuổi lại thấy ngộ kỳ thời như vậy.
Ở một lớp học thêm hàng trăm con người chen chúc – những con người cầu thị sẽ có thêm con chữ để đậu đại học (bằng mọi giá) – lại có một tiết học Đức dục – một cô giáo tóc bạc phơ xuất hiện trong bộ áo dài nhung và nói chuyện Đạo đức ở trần gian.
Vậy mà tôi ngồi giữa trăm vạn con người không quen. Cô nói tới đâu, nước mắt tôi chảy ròng ròng tới đó. Khóc như thể mưa lũ của hết thảy Sài Gòn tập trung vào hai con mắt nhỏ xíu xiu.
Cô dạy về đạo làm con, về những điều Ba Mẹ Ông Bà đã giành tặng cho đứa con của họ – vô điều kiện.
Trần gian này dẫu có muôn điều xa hoa, danh lợi, tiền tài hay gì gì gì cao sang, vốn dĩ đứa trẻ sinh ra đời không được phép quên công ơn Cha Mẹ.
Nghe ra giáo điều ghê trong cái thời thế hiện đại, nhưng tôi cứ khóc, nước mắt tôi cứ chảy. Vì Cô không nói lời giáo điều, Cô đưa ra tất tần tật những gì thực tế nhất, những gì cụ thể nhất cho đứa trẻ 18 tuổi là tôi – thấy mình mang ơn sâu đậm biết bao Bà Nội mình, Cô 3 mình và Mẹ mình.
“Các con cao bao nhiêu là tiền và vàng để nuôi các con chất cao bấy nhiêu đó.”
Từ hồi làm công việc với những người làm Cha, làm Mẹ, tôi hiểu hơn nữa, hơn hơn nữa những đầu tư kỳ lạ mà những người làm Cha làm Mẹ nọ giành cho đứa con của mình. Thật sự vô – điều – kiện.
Và hôm qua hay tin Cô qua đời.
Tôi – một người không gắn bó, nhưng chịu ơn Cô một tiết học Đức dục rất cao sang – cao ở trí tuệ và sang ở nhân cách.
Đó là Cô Đàm Lê Đức – cố hiệu trưởng của trung tâm 218 Lý Tự Trọng – người mà có lẽ mỗi năm dăm ba bảy lần, tôi và chồng sắp cưới sẽ luôn nhắc về với tất cả lòng tôn kính.
Mong Cô bình yên về với trời cao, với sự tiễn đưa của hơn trăm vạn học trò trên khắp trần gian này.
Sáng nay trời lạnh teo, chạy ùa ra đường thấy những bông hoa mới của Tết này (tên là “Thiên Phúc” thì phải) co rúm lại, xao xác trong những lắng lo của người làm vườn, họ bảo nhau: “Tết này toang…”
Sáng nay lạnh, chạy ùa ra đường trong phông áo mỏng, thấy thật thiếu tính toán, đáng lý phải quấn thêm chiếc khăn, đội thêm chiếc mũ, người ngoài đường trốn hết trong nhà, cuối tuần mà…
Sáng lạnh, mình nghe linh hồn mình trước gió như cánh hoa khô, gió mà vi vu hơn một chút, chắc chắn sẽ lắc rắc rơi, cũng đã không biết mấy mùa, không biết ngày thường ngày lễ hay cuối tuần, cứ sáng lại đâm đầu ra đường, như con thiêu thân sa vào ánh sáng.
Thế là có chút mơ màng về chuyện nhấm nháp tí trà, nói chuyện thiên hà vũ trụ. Trà nóng mình ưa loại có vị cranberry, thơm lạ, ngọt dịu, và đẹp đẽ. Trà nóng mình ưa rót từ những chiếc bình trong veo, thấy bã trà lăn tăn sụt sùi.
Hôm nào lạnh quá, không cần uống, chỉ cần bàn tay ôm tách trà nóng hổi, cũng sướng cả linh hồn. Người đâu dễ vui. Đất trời có hoang mang, lòng ta cứ nương tựa vào những gì ấm áp mà vui vậy.
Là phụ nữ trong thời đại mới, gần như ai cũng ham muốn mình độc lập tài chính, công việc ổn định, tự do tự tại, làm chủ bản thân.
Vì quá nhiều ham muốn đó, mà một hôm nhìn lại mình, con còn đang ngủ, đôi mi cong vút như vuốt ve trái tim người mẹ – còn xuề xoà trong bao chuyện tã – sữa – đồ ăn…..còn chút tẹo thời gian, lướt nhẹ facebook, thấy chiếc ảnh xinh xẻo chèo bẻo của bà bác sỹ, họ nhún vai “chao ôi sướng!“
Từ ngày làm mẹ, phụ nữ độc lập thoát ly khỏi hình hài lý tưởng ban đầu của bản thân,
Từ ngày làm mẹ, chuyện thở dài xem ra cũng dày đặc hơn hồi còn con gái, sẽ tém bớt không chỉ nỗi khát khao mua một chiếc váy đẹp, mà còn tém cả khát khao ngủ một giấc sâu hay vươn vai cho một bài tập thể dục chỉ có 8 nhịp.
Không làm mẹ, tôi cứ trượt dài trong mớ áo váy, mọi người đều dặn dò phải tiết kiệm và sống đơn giản, nhưng trộm nghĩ, mình chỉ là một cô gái … còn xuân, dăm ba năm nữa, gia nhập hội nói trên, những khát khao một cách rất bản năng…bị tém dẹp bớt, có thể lúc đó sẽ “bị thấy” thiếu thốn, vậy nên lúc này, cứ mặc những chiếc váy quá chân,cứ sống trong những ảnh ảo hồng hào, cứ là một người bạn ngoài cuộc … đồng cảm và đồng tình với những người đang làm mẹ.
Cuối tuần rồi, có đi chơi hông? Bà bác sỹ hông có đi chơi, hình cũ đó, còn khám bệnh, còn đi trực, quần quật trong chiếc váy dài quá chân,để giữ gìn một thanh xuân … vẫn còn.
Mình định làm một tủ sách như thế vầy ở gia đình,
sách của mình chắc nhiều hơn chỗ này,
đầu chất một đống chữ cũng không phải chuyện hay,
nhu cầu viết ra thành chữ theo đó cũng cao,
nhu cầu nói ra thành lời theo đó cũng không ngớt,
chữ vào người, giống như thức ăn, dứt khoát phải được chuyển hoá,
nhu cầu sẻ chia điều mình thấy hay ra phía bên ngoài, âu cũng là một nhu cầu buồn cười nhất xứ,
không hàm cốt khoe khoang, mà là những thúc đẩy ở bên trong quá kịch tính.
Hôm qua một người chị hỏi “Hổng biết bác Linh có cãi lộn với ai bao giờ không?”
Trả lời nhẹ “Cãi lộn với ai thì lúc nào nước mắt cũng ròng ròng, miệng lặp bặp, không nói được lời nào.”
Nội tại của chủ thể thật ra không phải dạng hiền lành, nhưng những phát tiết ra bên ngoài, chưa bao giờ đồng bộ.
Trộm nghĩ chắc do những mớ chữ này bao vây lấy những gì độc địa,
chữ cản ngăn ta nói điều độc địa.
Làm việc với bà mẹ – em bé lâu ngày, cũng không thể nói lời độc địa được.
Thấy con nít thì cưng,
thấy bà mẹ thì thương,
nhìn lại mình thì … gắt.
Trên đời có những mối nhân duyên lạ lắm,
nhân duyên với chữ nghĩa là món nợ không bao giờ dứt được,viết phong long thì hay lắm,
chứ ngồi vô văn bản khoa học thì chữ chạy đi đâu mất, ngộ kỳ thời.
Viết bài khoa học đi nha Linh!#tuổithanhxuâncủatôi
Quán nhỏ nằm yên ắng, không phô trương ở một ven đường. Tên Đương.
Cây cối hoa lá đều là “thật”. xanh tươi. đậm đà. mát ngọt. Chuyện “thật” ở trần gian này bỗng một hôm hoá thành “hiếm”.
Nhâm nhi một ly cà phê trứng, tất nhiên với khả năng vô cùng thấp kém trong việc hấp thụ cà phê, Linh chỉ có thể nhấp nháp chút trứng với chút nồng nàn của đăng đắng cà phê, nhịp tim của Linh vẫn cứ rất ngẫu nhiên, tăng vòn vọt.
Ở đây người ta không bàn chuyện giá đất bao nhiêu, cũng không bàn chuyện có thêm bao nhiêu ca nhiễm rồi.
Ở đây người ta cầm máy ảnh film cũ kỹ, canh nắng, canh gió, canh bóng râm, lẫy cò, lấy nét và bấm tách.
Ở đây có chú chó già tên Leica, trên cổ người bạn già đeo một cuộn film nhỏ và một chiếc máy ảnh gỗ xíu xiu. Khách đến chơi gọi Leica, là chú lại làm thân, nhảy vồ lại xúm xít, “nhớ cho tôi vào khung ảnh nhen”.
Ở đây người ta nhìn ngắm và hít thở. Nhìn ngắm linh hồn mình trong trẻo đến nhường nào, và hít thở để trao đổi với đất trời tất cả những nhoè nhoẹt của ngày hôm qua – ở xứ nhiễu nhương.
Mỗi năm, chúng tôi đều để dành một quỹ thời gian nhỏ, để lê la quán xá, để hưởng thú #chơi_film.
Chúng tôi đã chơi những chiếc máy ảnh cổ hơn 8 năm nay, có lẽ vào thời điểm phong trào chơi film còn chưa kịp nổi.
Chúng tôi lúc ấy thấy mình cũ kỹ vô vàn, và cũng rất là độc nhất.
Chúng tôi nâng niu từng tấm ảnh. chúng đắt giá thật sự (về cả nghĩa đen và nghĩa bóng).
Chúng tôi lúc ấy nhận ra “nghề chơi cũng lắm công phu”, may mắn vì biết chơi và đủ điều kiện để chơi.
Chúng tôi không phải là những người sống trên mây.
Chúng tôi là #người_đương_thời,
song chúng tôi không thể xa rời những sắc màu đẹp đẽ, không thể xa rời những vô tư rất sâu đậm.
Chúng tôi chẳng đi trốn ai, hay đi trốn điều gì.
Chúng tôi dung hoà cuộc sống xám xịt của mình bằng những thú vui riêng,
Phàm con người ở trần gian mà thấy hết vui, chắc sẽ không sống nổi.
Thanh xuân của chúng tôi đã rất đủ đầy như thế đó.
#filmphoto#kodakcolorplus#tuổithanhxuâncủatôi