Hôm nay trời mưa, tôi lại ngồi tô tô vẽ vẽ cho luận văn của mình.
Chiếc ảnh này là 1 trong số những ảnh minh họa tôi dùng cho phần trình chiếu.
Các bạn nhỏ sinh non trong #đàn_con của tôi không quá nhiều, nhưng vừa đủ để tôi cảm khái nỗi vất vả của người nuôi dưỡng các con, và những kỳ vọng cứ thoáng chốc tưởng thành công, rồi vụn vỡ, rồi lại thành công.
Tôi cứ mãi chờ đến ngày #xuống_núi, để có cuộc hẹn từ trước Covid với Mẹ của James. Mỗi lần Mẹ James gửi cho tôi hình ảnh con yêu mỗi đoạn lớn lên, tôi lại thấy đó là một điều kỳ diệu. Nỗ lực của gia đình James đã hơn cả từ #mạnh_mẽ, nếu cho dùng 1 từ tiếng Anh để diễn tả nỗi này thì là #Incridible. James đã đến với cuộc đời chỉ nằm trọn lỏn trong 2 lòng bàn tay người lớn.
Cảm ơn con đã cho Bác mỗi ngày sống có thêm một niềm thôi thúc mãnh liệt vào việc tạo nên những điều kỳ diệu.
Tôi chưa xuống núi nha mọi người ơi.
Hẹn ngày xuống núi, tôi sẽ kể cho mọi người nghe nhiều câu chuyện #thần_kỳ.
Và người tạo ra không phải là tôi, hay vị bác sỹ cao cao tại thượng nào khác, mà là chính bàn tay #nâng_niu của những người làm Cha làm Mẹ, không một khó khăn nào làm sần sùi tình yêu thương của họ.
Thương nhớ các con.
#bsphuonglinh
Tối qua Bon lên chơi nhà Bác Linh, khoe hôm nay con thăm trường, mai con đi học, có vẻ hào hứng ghê nơi.
Sáng nay Mẹ Bon gửi Bác Linh chiếc ảnh con đi học, vẫn khóc thảm thiết từ lúc Mẹ quay lưng đi, tới tận mấy tiếng đồng hồ sau.
“Ngày đầu tiên đi học, em mắt ướt lệ nhoà” là có thật mọi người ạ.
Anh em nhà Bon gắn bó với Bác Linh từ lúc mới đẻ. Bon chó con hợp tuổi Bác Linh lắm nhen. Thương nhứt là cái khúc Bon kiu “Bác Linh nhìn con nè!” rồi quẫy như thể #hôm_nay_là_thứ_7. Mẹ Bon có giao kèo với Bon chuyện đi học rồi, đồng ý rồi, nhưng giờ chót xa mẹ thì vẫn “lật kèo”, thấy thương nhất cái khúc Bon ra ngồi tâm sự với Cô hiệu trưởng An Ho (Chúng mình già thật sự rồi đồng bọn ạ! ). Cô hiệu trưởng chắc đang kể hồi xưa Cô ngồi bàn đầu cùng hàng với Ba của Bon, Bác Linh ngồi ngay sau lưng .
Ba Mẹ hay hỏi Bác Linh là đi học ở độ tuổi nào thì ổn?
Theo luật pháp Việt Nam, trường mẫu giáo được phép nhận trẻ từ 3-6 tuổi.
Vậy ở giai đoạn sớm hơn thì có cần đưa trẻ tới trường không?
Xin một lời ý kiến của quý phụ huynh nhân ngày trung thu để sắp tới bác Linh mạn phép mời một (số) nhà giáo dục uy tín cùng góp mặt chia sẻ với quý phụ huynh nha.
Chúc trung thu vui vẻ vẹn đầy!!
Nhiều khi thấy thời gian nó dã man lắm mọi người ạ,
không ai đuổi bắt mà cứ hối hả chạy.
Niềm vui của mình kể ra cũng không có gì cao sang, chứng kiến các con lớn lên mà thấy vui vô hạn độ.
Ba má các con thì thành bạn đồng hành, người thì làm bánh cho ăn, người thì xây nhà cho ở, người thì gửi sổ, gửi áo mưa cho dùng, khẩu trang chưa bao giờ thiếu, chủ xị dẫn độ đi du lịch, còn có người “đòi” cho bác Linh mượn tiền làm đám cưới, … , vui thiệt sự.
Nuôi con có lúc vui lúc khổ,
Vui thì sẻ chia, khổ thì thở than.
Làm bác sỹ cũng vậy,
vui thì đem khoe, khổ thì khóc ròng ròng.
Cứ rất con người như vậy cho an ổn tâm can.
#bsphuonglinh#đàncon
Đừng quên có 1 livestream hoành tráng tối thứ 7 với sự góp mặt của 2 nhân vật đặc biệt, sẽ sớm được bật mí nha mọi người!
Mẹ em bé nhắn vào nhóm “Các mẹ ơi, em muốn cắt tóc ngắn để chăm con cho dễ, có ai có ý muốn giống em không, ngắn như bác Linh ấy.”
…
Cứ sống lâu trên đời rồi thì chuyện gì cũng gặp,
bỗng một ngày #tóc_ngắn thành #kiểu_mẫu của bác Linh
…
Ba em bé Coca vẽ logo cho bác Linh cũng vẽ tóc ngắn như một nét nhận diện.
…
nhưng có một sự thiệt là Linh đã có hơn 20 năm #tóc_dài.
…
Hồi nhỏ mấy đứa bạn hay kiu Linh là #công_tử_Tàu, tóc siêu dài tết thành 1 bím loe ngoe sau đít,
Linh thích cảm giác tối nằm dài trên phản, thả tóc dài lũ rũ xuống đất, tóc mà dài chạm đất thì sướng rơn thiên hạ ơi!
…
Mẹ em bé thật ra chắc cũng hông phải thấy #tóc_ngắn_bác_Linh có gì xinh xẻo, mà là vì bảo thấy con nằm trên giường bệnh, chuẩn bị vào cuộc mổ, thấy nặng trĩu quả đầu
…
Con ra khỏi phòng mổ là mẹ muốn đi cắt tóc ngay và luôn…như một kiểu rũ bỏ hồng trần phất phơ những khổ đau không thành tiếng thành lời, cứ réo rắt trong cội tâm.
…
Ngày mà Linh xuống tóc, để có mái tóc ngắn bền vững như hiện nay,
Linh đã khóc như mưa,nước mắt đổ vùi xuống như tận thế,
lúc đó Linh cảm thấy cần phải trút bỏ một thứ gì đó trên cơ thể mình, cắt lìa đi, mới hòng tìm lại sự thảnh thơi trong tâm hồn mình.Khi nhớ lại, mình chợt hiểu ra cảm giác của người mẹ ấy.
…
Nếu nặng đầu quá, bạn cứ xuống tóc,một hành động thực tế cho việc buông bỏ,
hơn thế nữa,
hãy để những tiếc nuối khi lỡ xuống tóc, biến thành phép màu cho những bệnh nhân ung thư nha,
phép màu dễ tạo ra vô cùng có phải không?
Bạn có thể tặng tóc tại Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam – Breast Cancer Network Vietnam
Chúc mừng các bạn nhập hội tóc ngắn
#hairforcancer#bsphuonglinh#filmphoto
Ở đây có nhận chữa #táo_bón cho con, với điều kiện cần số 1: Ba Mẹ phải kiên trì.
Tôi cứ phải khẳng định tới lui là tôi hổng có thích drama hoá.
Tôi chỉ đang tả lại một hình ảnh … nếu đang ăn cơm hay đang ăn ngon ngon gì đó thì thôi đừng đọc nữa nhen.
Thụt tháo chưa bao giờ là một câu chuyện vui.
Nếu ai đã từng kinh qua hay tận mắt chứng kiến cảnh tượng nọ, kể cũng có chút … hãi hùng trong sâu tận ruột gan.
Và,
tôi sắp tả cho bạn một căn phòng.
Căn phòng có tên là phòng thụt tháo.
Căn phòng rộng tầm 10m2 theo đúng tiêu chuẩn y khoa,
kín như bưng,
Trong phòng có 1 tủ inox đựng dụng cụ đặt sát vách tường, 1 chiếc quạt trần,
Ở giữa căn phòng là 1 “chiếc giường”
Vì sao tôi lại phải bỏ vào ngoặc kép,
vì thụt tháo thì trong tư thế nằm nghiêng,
tất nhiên phải là một chiếc giường, kg thể là chiếc bàn ngồi….
nhưng ngặt một nỗi sau khi được kích thích đi tiêu, cũng phải có chỗ để làm bàn ngồi nếu cần,
vì vậy một vị kiến trúc sư vĩ đại nào đó đã phát minh ra một chiếc giường thụt tháo rất rất rất … vĩ đại.
Chiếc giường được lát bằng gạch hoa cương sẫm màu để đảm bảo độ sạch sẽ của công tác thụt tháo.
lạnh ngắt.
2/3 là mặt phẳng như một chiếc giường thông thường.
lạnh ngắt.
1/3 còn lại thiết kế như bàn ngồi có vòi nước để sử dụng trong quá trình thụt tháo.
lạnh ngắt.
Tóm lại, đó là một bệ cao, mặt trên lát gạch hoa cương sẫm màu, hơi trũng thấp xuống, có gờ cạnh bên để nắm vào cho vững.
lạnh ngắt, trong căn phòng tầm 10m2, vừa mở cửa đẩy vào, tôi rợn nhẹ sống lưng.
Vậy mà con trẻ đã nằm đó, ngày này qua tháng nọ,
cô bé lần đầu tiên tự đi tiêu được sau quần quật 3 tháng ròng cứ thụt rồi tháo vừa cười vừa khóc với tôi “bác ơi con đi được rồi”
nó nói nhỏ xíu mà nghe đau lòng kinh khủng khiếp, có vui nhưng có chút ngờ vực, không biết có lại được như hôm nay…
Ta bảo nhập mà không xuất là một nỗi đau không thể bỏ qua,
nếu chúng ta cứ bỏ qua,
một ngày chứng kiến cảnh con mình nằm trên chiếc giường đá, kể cũng là một “thất bại” của người làm cha mẹ.
Tôi vẫn thường nói là thích năn nỉ bệnh nhân,
năn nỉ họ ngay từ đầu cần ngăn chặn những điều không hay sẽ có thể xảy ra,
năn nỉ họ tìm hiểu vấn đề của con mình, nếu không phải bệnh gì hiếm hay trầm kha, thì Ba Mẹ hoàn toàn có thể giúp con mà không cần tới bàn tay nhiệm màu nào khác.
giúp sao ấy hả?
kiên trì.
kiên trì. kiên trì.
kiên trì. kiên trì. kiên trì.
không gì quý giá hơn #thói_quen_đi_tiêu tốt Ba Mẹ nhé.
đó là bài thuốc lớn nhất và quan trọng nhất đối với vấn đề này.
Chúc mừng các con đã có Ba Mẹ kiên trì và sẵn sàng dành thời gian cho con.
#bsphuonglinh
“HÃY LẮNG NGHE CÁC BÀ MẸ.
CÁC BÀ ẤY LUÔN CÓ LÝ.”
“Ở ngoài đời” tôi là người không thích lắng nghe nha quý vị. Thường những người yêu thương tôi sẽ nghe tôi nói nhiều hơn.
“Ở trong phòng khám” thì tôi lại thích hỏi và lắng nghe hơn. Mỗi lần tôi nói quá nhiều, tôi lại hỏi ngược “nghe kịp không? bác có nói nhanh quá không?”
Hồi xửa hồi xưa ngồi khám phòng khám sơ sinh 1 ngày 80 bệnh, trưa khám trẻ mới sinh 20 con, trước sau 100 con/ ngày. Chiều tan ca, tôi không nhấc nổi hàm. Quý vị cứ thử chia một ngày làm tầm 10 tiếng, vị chi 600 phút, chia 100 con nghĩa là khoảng 6 phút cho 1 bạn, chưa kể thời gian lấy hơi hay uống nước.
6 phút.
nhiệm vụ bất khả thi.
Sau ngần ấy năm, tôi nhớ lại những ngày cũ mà thấy mốc meo, làm sao có thể khám 1 đứa trẻ trong 6 phút, làm sao mà làm được như vậy?
Dựa vào kiến thức của bản thân học được và từ người thầy 30 năm kinh nghiệm, và những hiểu hiện rất “sách giáo khoa” của đứa trẻ, bà bác sỹ non choẹt đã xử lý 1 ca trong 6 phút, nói như một cái máy, bắn tằng tằng tằng tới mức là tôi nghĩ nếu mẹ nào còn theo bác tới ngày hôm nay vẫn không thể quên sự réo rắt trong cung đàn của bà bác sỹ. Và 6 phút thì có thể nói gì ngoài #không_sao_đâu Sau tất cả,
hiện tại, bà bác sỹ sà từ trên bàn khám xuống đất ngồi tỉ tê với các mẹ các ba.
tôi cứ bảo họ kể câu chuyện của họ, kể 24 tiếng của họ và con,
và tôi nghe họ nói nhiều hơn tôi nói,
#Không_có_gì thì sao họ lại mang con đi khám?!?
Tôi nhận ra mỗi gia đình có một câu chuyện.
Tôi không thể áp một toa thuốc vô tri cho mọi trường hợp.
Tôi không thể áp một công thức hoàn hảo nhất nhất theo sách vở cho mọi gia đình.
Lý thuyết mãi mãi là màu xám.
Tôi đã phải uyển chuyển thay đổi từng toa thuốc của mình,
tôi đã phải đi tìm lời giải cho một bài toán có quá nhiều đáp án,
tôi thấy mình cứ mỗi ngày một giàu có …. giàu có những câu chuyện kể.
Tôi có tập hợp 1001 lời than của các bà mẹ,
có 1002 tập nhật ký nuôi con,
có 1003 lời sẻ chia mừng rỡ “bác ơi hôm nay con em chịu ăn rồi” “bác ơi hôm nay con em ị rồi” “bác ơi hôm nay em có sữa…”
và tôi có 1004 đứa con,
2008 người bạn,
2008 gia đình con con…
Tôi chợt nhận ra mèo Kitty vì sao lại nổi tiếng,
vì Kitty không có miệng.
#bsphuonglinh
Chị hộ lý mới vào nhận ca quay sang qua hỏi bà bác sỹ đang cắm mặt vô tô cháo gà (bệnh viện đãi nhân viên ăn nhân rằm tháng 7): “Bác là Bác Đào Linh trong lời đồn hả?””Dạ em.”
Hổng biết lời đồn tươi ngọt ra sao mà mỗi lần Linh vác balo vô khoa là chị em cười nhẹ “Ủa gặp Bác Linh nữa hả?”
“Dạ em.”
Chị em toàn nhìn nhau cười đầy ẩn ý, tại vì hổng ai dám nói ra cái điều rũ rượi sau một ca làm với bác sỹ Đào Linh.
Theo lời các anh chị tiền bối xa xôi, là mấy đứa như mình nếu làm phòng mạch sẽ rất đắt khách.
Theo lời các anh chị tiền bối gần gụi, là nhỏ đó số nó khổ ghê nơi, rồi xong thương thương nhắn nhủ đôi điều truyền thụ kinh nghiệm cho nó bớt khổ. (tại vì thiệt sự là sống trong cái khổ riết quen, không ai khai sáng là cứ “làm quá” lên, nhờ Chị dạy dỗ mà thấy mọi sự bớt bớt lại )
Số là khi mọi người gặp Linh, gần như “chín chín phần trăm” là chạy cắm đầu cắm mặt, lủi luôn, lủi từ đêm mùng 1 Tết đến nay vẫn lủi.
Ta nói quần bệnh từ sáng tới chiều, dây thun luồn quần không siết nổi cái vòng eo 67 của mình luôn, còn mấy bạn trẻ chạy vòng ngoài vòng trong thì thôi không kịp ăn, không kịp đi tè, không kịp thở, toàn thở hồng hộc hồng hộc như mới đi đánh trận về. Lúc đó trong mắt mọi người, như thể người con gái ấy bị dính bùa “lủi”, ai gặp cũng lủi, nhưng làm sao mà tránh được bả, tại bả … mê đi làm
Chị nữ hộ sinh trưởng tua trực hay gặp mình nhất, thường cười ha hả bảo “Bác Linh dư năng lượng lắm, đừng ai lo cho bả.” xong cái cười hắc hắc như bị đánh bùa.
Mà nhiều khi mình thấy mình dư năng lượng thiệt sự. bắt mình ngồi một chỗ thì sẽ không yên đâu.
Nhớ hồi đi lấy mẫu miệt mài, ngày chạy gần trăm cây số vẫn không biết đuối là gì, vừa là Graber, vừa là bác sỹ, tối về đi trực, sáng ra chạy tiếp. Kinh khủng ghê hồn. Nhưng Linh khoẻ.
Ai bắt Linh âm tì địa ngục, bế quan rào chưn là Linh sẽ lăn ra khóc um sùm. Linh đặc biệt ghét ngồi yên chờ đợi. Linh hoàn toàn không nhẫn nại.
Linh thích long bong.
thà là lắn quắn trong cái sướng, còn hơn bí tích trong cái đắn đo lòng vòng.
Thật ra Linh cũng có đầy đủ nhu cầu ăn chơi, tận hưởng.
nhưng việc đi làm đối với Linh cũng là tận hưởng.
Linh thích nai lưng làm cật lực rồi thấy quả tim mình không rỗng rãng.
Linh sẽ đi chơi cho ra chơi, chứ hổng có thèm chơi nửa vời.
Nghề chơi với Linh phải đảm bảo công phu thì mới chơi.
Làm việc nhiều, mà vui, thì cũng giống như chơi, Chơi cho hết một đời, nhe Linh.
Photo: nghe đồn có trend đeo khẩu trang vẫn đẹp hay auto – đẹp gì đó. Cô gái có mắt 3 mí.
#bsphuonglinh
Chị em phụ nữ luôn được quyền mong manh dễ vỡ, luôn được quyền đau khổ quanh co.
Còn các ông thì cứ bị cho là #vô_tâm, #không_hiểu_đàn_bà.
Lắm lúc chính tôi cũng không hiểu đàn bà, huống hồ là các ông.
Sớm ngày ra đọc phải mấy bài viết kiểu #trách_cứ các ông không biết sẻ chia, không biết quan tâm, nên các chị thi nhau #trầm_cảm_sau_sinh….
Không phải một bài viết có nhiều người lượt thích hay chia sẻ, nghĩa là quan điểm ấy đúng.
Hổng phải vậy đâu các chị ạ!
Những bài viết nọ đang #đồng_tình cùng các chị, các chị thấy bản thân mình trong đó, các chị cảm thấy như ai nói hộ lòng mình.
Phàm việc gì trên đời mà có người đứng ra nói hộ thì sướng vô vàn! Thế là các chị bấm .
Khi các chị vừa bấm , bài viết hiện lên feed của các ông.
Các ông lướt vội qua, phủi nhẹ “Xàm”
“Tâm trạng của tôi nặng nề thế kia mà ông bảo xàm!”
Thế là lại quanh co….
thế là sụp đổ….
thế là rạn nứt….
Tôi là người làm khoa học. nên tôi mạn phép chia sẻ đôi điều từ các bằng chứng y khoa.
Trầm cảm sau sinh được cấu thành, bị thúc đẩy bởi muôn vạn yếu tố.
và nó thực sự chịu tác động cực kỳ mạnh mẽ của hormon.
Phàm nói đơn giản là thứ gì hormon điều khiển đều sinh mù quáng.
giống như lúc đang yêu.
Các chị lúc quá đau khổ, hẳn nhiên phải tìm đường giải nguy cho cảm xúc của bản thân.
Thường thì người đầu tiên bên cạnh mình sẽ hứng chịu trước.
Sau đó nữa, nếu lỡ cái người ấy #không_chịu hứng đỡ giúp, sẽ quay lại giày vò bản thân, và thậm chí tự hại mình.
Đa phần mọi người đều mong cầu hạnh phúc.
Các ông cũng vậy.Các ông ấy bận chuyện mưu sinh.
Các ông ấy bận chuyện gánh vác gia đình.
Các ông ấy còn bộ mặt của mình, còn trách nhiệm của mình với cả toàn thể nhân loại.
Ngày xưa các ông ấy bảo “thế giới cứ để anh lo” nên giờ các chị muốn các ông ấy quay vào chăm chút cho cảm xúc của mỗi mình chị…thì các ông ấy phải làm sao đây?
Cuộc sống này vốn âm – dương cân bằng.
Các ông ấy có những lúc rất đanh thép, là hòng #vớt các chị ra khỏi mớ bòng bong ấy.
Tâm lý buồn bã của chúng ta giống như một vũng lầy.
Cái phao quăng ra cũng đừng hòng cứu được.
Chỉ có một cái nắm tay, rất chặt, một nội lực tràn đầy, mới đem ta ra khỏi những tối tăm mụ mị ấy được.
Nếu bảo tôi chọn liều thuốc nào cho người đàn bà trầm cảm sau sinh,
tôi sẽ nói đó là #một_người_đàn_ông_kiên_nghị,
họ kiên quyết không để vợ sa lầy trong bể khổhọ cương nghị chống phá mọi thế lực thù địch để giành về những dấu yêu xưa.
Một đứa trẻ ra đời là một món quà.
Chúng ta không thể để hormon biến món quà ấy thành chiếc rìu báng bổ tình yêu của đôi lứa.
Tôi gặp nhiều bà mẹ, cũng gặp nhiều ông bố.
Nhiều ông đến là phát khóc khi chia sẻ nỗi lòng cùng tôi,rồi nhiều ông #phát_hoả cũng có “Có tí chuyện tại sao lại xé ra to như vậy, em làm được hết, bác sỹ cứ để em lo!”
Các chị đẹp thân mến,các ông không thể giống chúng ta được,
và cũng không thể hiểu những diễn biến tâm lý phức tạp đang cào xé quả tim bé nhỏ của chúng ta mỗi ngày.
các ông ấy không mang thai, các ông ấy không cho con bú, các ông ấy không ở nhà cho con ăn dặm.
các ông ấy làm những việc khác, thật ra cũng nặng nề và đặt lên bàn cân cũng nặng như việc mang thai – cho con bú, thậm chí là #trái_tự_nhiên hơn cả cái điều #thuận_tự_nhiên là mang thai và cho con bú.
và các ông ấy cũng bị trầm cảm sau sinh …. vì quá yêu các chị.
Mong rằng các chị hãy nói hết lòng mình cho các ông nghe,
rồi các ông hoặc dịu dàng chia sẻ, hoặc cằn nhằn bực dọc, hoặc tức tối đập bàn,
rồi thì cũng xong,
các ông ấy sẽ cùng các chị vượt qua hết mọi khổ đau ấy, sẽ ôm lấy các chị lúc các chị ít phòng bị nhất và vẫn câu đó “Thế giới cứ để anh lo!”
rồi các chị cứ khóc, rồi hãy mau mắn cười lại,
các ông mong ngóng nụ cười xinh đẹp của người con gái năm ấy biết bao.
Hãy yêu thương bản thân mình, yêu thương mình chính là đang xây dựng một nền tảng vững bền cho gia đình nhỏ của mình.
Các ông ấy thích phụ nữ đẹp các chị ạ!
#bsphuonglinh
Ảnh: Bố của Tĩn và Bố của Đan Đan trong lớp học “Chạm yêu thương” của Touchie Feelie – Lớp giải pháp dành cho Cha Mẹ hiện đại
Tôi luôn tự nhận mình là người sống tích cực.
Tôi luôn yêu quý hết thảy những người lạc quan và chia sẻ những điều lạc quan.
Hai người đẹp trong hình cũng là một trong số những #người_truyền_cảm_hứng cho mình tiếp tục sống vì #những_đứa_con_mình_không_sinh_ra.
Tôi vẫn luôn hiểu #làm_mẹ thì khó kinh khủng, mệt kinh khủng, nhiều khi buồn bực tới kinh khủng.
nên đối với tôi, nếu được thì bớt nói điều #lầm__than, bớt những huyễn hoặc không có chứng cứ lúc chuyện trò với những bà mẹ này.
Thật ra tôi hông thích gọi họ là #mẹ_bỉm, những bà mẹ yêu thích của tôi rất ít khi nghe mùi bỉm, họ xinh đẹp và hồ hởi khi nói chuyện về con cái, họ làm chủ bản thân họ và làm bạn với đứa con của mình.
Các Mẹ nào đến chơi với Bác sỹ Linh thì đừng có đưa cho Bác mấy cái bảng tính mấy tháng uống bao nhiêu sữa, mấy ngày thì khóc, mấy ngày thì la nha.
tại vì đối với tôi, mỗi đứa trẻ là một bản thể đặc biệt, hổng có con nào giống con nào.
chưa kể Bà Mẹ với tôi cũng đặc biệt nữa.
Họ có thể là diễn viên, hoa hậu, có thể là luật sư, giáo viên, hay thậm chí là bác sỹ, rồi còn cả những Mẹ lao động tay chân, khó khăn vất vả muôn vạn phần.
Họ chỉ giống nhau một điểm duy nhất là #yêu_con,
còn lại khác nhau hết.
khác vậy thì sao đòi có đáp án chung cho cùng một vấn đề. nhiễu lắm nhiễu lắm.
Điều lầm than chính là những con số gây buồn bực, chính là những bài viết độc địa cứ xoáy vào nỗi kinh hoàng của Bà Mẹ. mà nhiều khi những Bà Mẹ đáng yêu vô tội của tôi hông biết là mình đang bị “thao túng” nữa…
Hãy cùng chúng tôi nghe, nhìn, nói và viết những điều vui vẻ, tươi đẹp về chuyện nuôi con.
Chúng tôi hứa không “thao túng” tâm hồn mong manh dễ vỡ của các Mẹ.
Chúng tôi chỉ nói điều hiền lành.Cảm ơn Mẹ Bon-Bun và Mẹ Phin đã ùa vào đời Bác Linh để Bác Linh bớt lầm than nha
Cùng xem chiếc clip nhỏ xinh:
Du lịch cùng con nhỏ, có nên kiêng dè? | BS. Phương Linh và Mẹ Bon,
Mẹ Phin https://youtu.be/HKKhQVDECDE
Hôm nay chúng tôi ngồi kể với nhau về tuổi thơ của mình với chủ đề chính yếu: “Ba Mẹ đã từng #kỳ_vọng như thế nào ở chúng tôi khi còn bé?”
1001 bà mẹ ông bố đến khám với tôi đều chỉ hướng tới nội dung “Làm sao cho con ngủ ngon, ăn giỏi, lên kí, không vặn vẹo?”
Vì sao có những khoá học Easy bán tận mấy triệu đến mấy chục triệu vẫn có người mua, vì Ba Mẹ kỳ vọng “con mình sẽ giống như con người ta” hoặc #hơn !?!
Hồi xưa lớp Lá có đứa đã nói tiếng Anh như gió, cứ hễ 9,5 là khóc đến khi cô giáo dạy tiếng Anh gạch điểm 9,5 sửa thành 10.
Tội lắm,
tội cho tuổi thơ một hôm bỏ mặc ô ăn quan, bỏ mặc trò tạt lon vui hết buổi trưa nắng hè, bỏ bạn, bỏ bè, bỏ búp bê, bỏ hết.
Đứa nhỏ ngồi ôm tất cả sách vở nâng cao, ngồi chép bài giải toán làm văn như bị ai bỏ bù mê thuốc lú.
Mà không cần đòn roi gì kề vai kề cổ.
Mà chỉ cần một #sự_kỳ_vọng rất vô hình.
Sau khi được kỳ vọng, đứa trẻ tự hình thành một rào cản vô hình với tất cả cuộc chơi, đứa trẻ nhận ra mình sẽ #chỉ hạnh phúc và mọi người khác đều hạnh phúc nếu nó đạt điểm 10.
Nó cảm thấy hân hoan khi nhận được sự tung hô.
Nó cảm thấy tủi hờn khi không được đứng thứ nhất.
Nó – đi – lệch – khỏi – quỹ – đạo – hạnh phúc tự thân.
Nó biết nó không thuộc hạng thiên tài, nên nó cần #khổ_luyện.
Đã nói là khổ luyện, tất nhiên phải #khổ.
Vậy tóm lại là khổ hay sướng khi có một tuổi thơ huy hoàng?!?
Một kỳ thi đại học nữa đang diễn ra.
Những kỳ vọng nếu đem định hình sẽ như muôn vàn bong bóng bay rợp kín đất trời, nhiều hơn cả số lượng người bị nhiễm Covid.
Nói đâu xa, nói lại gần gần,
mấy đứa nhỏ mới sinh, Ba Mẹ cứ kỳ vọng nó ăn ngoan, ngủ khoẻ, đâu được chừng 14 ngày trộm vía ngoan lành, tới ngày thứ 15 khóc gay gắt như ai ngắt véo, thế là #vỡ_mộng, sụp đổ kỳ vọng, tức tưởi héo hon.
Dạy con không phải dễ.
Dạy làm sao để đứa trẻ hạnh phúc, và Ba Mẹ cũng hạnh phúc nữa, thiệt sự khó khăn vô vàn.
Tôi là người #không đọc sách dạy con.
Vì tôi biết mỗi đứa trẻ có một linh hồn rất khác biệt, một thể chất khác biệt.
Chúng ta không thể mang những gì #bất_biến trong sách để áp lên một sinh linh biến đổi mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ.
Tôi chỉ mong Ba Mẹ sẽ cố gắng để #hiểu con mình, hoặc đọc sách hay đi học để tìm cách #khám_phá tâm tính của đứa con mình, để hoà hợp cùng con, để cùng con lớn lên và chính chúng ta cũng lớn lên.
Có những ngày, đêm về tôi chảy nước mắt vì những #hão_huyền của Ba Mẹ dành cho đứa trẻ non nớt của mình.
Chúng đơn giản cần một que kem. cần một cái vuốt ve. cần một cuộc chuyện trò.
Nhưng Ba Mẹ lại vẫn cứ còn đang mơ.
#bsphuonglinh
Bé Khoẻ Bé Ngoan 7 tuổi, tôi đã đồng hành cùng các con 7 năm, không quá dài nhưng đủ lâu để biết các con muốn gì….
muốn nói chuyện…
xin chấm hết ở đây.
12/08/2013 – 12/08/2020