ĐỨC DỤC
Tuy cấp 3, mình cũng là dân PTNKer đồ, nhưng mình ham chơi hơn ham học. Mình là dân đội tuyển Văn – đội tuyển này ngoài đọc sách, nghe bình thơ và viết Văn thì có làm gì khác đâu. Lúc mang phù hiệu 11 Văn và 12 Văn, mình chỉ làm Bí thư và viết Văn mà thôi.
Vậy nên mình không có nhu cầu học thêm các môn khác.
Kiểu tạo hoá xoay vần thế nào, cô sinh viên Văn khoa 18 tuổi rởm đời lại phẫn chí bỏ Văn chương mà đi theo con đường Y học. Sách giáo khoa cải cách sin thành cos, cos thành sin, tự luận sang trắc nghiệm…vậy làm sao để đậu đại học thêm lần nữa? Lại là đại học Y dược mới chịu.
Đường đời lắm nỗi trái ngang.
Câu chuyện còn nhiều hồi kịch tính, nhưng thôi cắt bỏ. Chủ yếu là trước khi vào Đại học Y dược, mình đã có 1 tháng học ở 218 Lý Tự Trọng. (Tại sao chỉ một tháng thì đó lại là một câu chuyện kịch tính khác. Đời dramaqueen là có thật!)
Trong 1 tháng vô cùng ngắn ngủi đó, mình đi học với tất cả trầm tư u uất của cô gái Văn chương chuyển hướng. Tất cả những gì mình học ở 218 trong một tháng ngắn ngủi đó, mình không còn nhớ gì, nhưng duy dáng hình và tiếng nói của vị hiệu trưởng trong một tiết học ĐỨC DỤC, lại còn mãi trong tim mình. Tới tận bây giờ, trong tất cả các giờ thảo luận với mentee, sinh viên, Ba Mẹ em bé, mình đều lặp lại những điều mình nhớ trong giờ Đức dục nọ.
Cô giáo nọ lạ lắm.
Có lẽ chưa bao giờ cô bé 18 tuổi lại thấy ngộ kỳ thời như vậy.
Ở một lớp học thêm hàng trăm con người chen chúc – những con người cầu thị sẽ có thêm con chữ để đậu đại học (bằng mọi giá) – lại có một tiết học Đức dục – một cô giáo tóc bạc phơ xuất hiện trong bộ áo dài nhung và nói chuyện Đạo đức ở trần gian.
Vậy mà tôi ngồi giữa trăm vạn con người không quen. Cô nói tới đâu, nước mắt tôi chảy ròng ròng tới đó. Khóc như thể mưa lũ của hết thảy Sài Gòn tập trung vào hai con mắt nhỏ xíu xiu.
Cô dạy về đạo làm con, về những điều Ba Mẹ Ông Bà đã giành tặng cho đứa con của họ – vô điều kiện.
Trần gian này dẫu có muôn điều xa hoa, danh lợi, tiền tài hay gì gì gì cao sang, vốn dĩ đứa trẻ sinh ra đời không được phép quên công ơn Cha Mẹ.
Nghe ra giáo điều ghê trong cái thời thế hiện đại, nhưng tôi cứ khóc, nước mắt tôi cứ chảy. Vì Cô không nói lời giáo điều, Cô đưa ra tất tần tật những gì thực tế nhất, những gì cụ thể nhất cho đứa trẻ 18 tuổi là tôi – thấy mình mang ơn sâu đậm biết bao Bà Nội mình, Cô 3 mình và Mẹ mình.
“Các con cao bao nhiêu là tiền và vàng để nuôi các con chất cao bấy nhiêu đó.”
Từ hồi làm công việc với những người làm Cha, làm Mẹ, tôi hiểu hơn nữa, hơn hơn nữa những đầu tư kỳ lạ mà những người làm Cha làm Mẹ nọ giành cho đứa con của mình. Thật sự vô – điều – kiện.
Và hôm qua hay tin Cô qua đời.
Tôi – một người không gắn bó, nhưng chịu ơn Cô một tiết học Đức dục rất cao sang – cao ở trí tuệ và sang ở nhân cách.
Đó là Cô Đàm Lê Đức – cố hiệu trưởng của trung tâm 218 Lý Tự Trọng – người mà có lẽ mỗi năm dăm ba bảy lần, tôi và chồng sắp cưới sẽ luôn nhắc về với tất cả lòng tôn kính.
Mong Cô bình yên về với trời cao, với sự tiễn đưa của hơn trăm vạn học trò trên khắp trần gian này.
Đây là một ngày thu Hà Nội, chưa đến mùa rét co ro. Tôi, người Sài Gòn gốc, mấy khi lê la ở phố phường Hà Nội. Chợt một sớm lạnh, tôi đâm nhớ Hà Nội xưa xưa cũ cũ, nơi sương phủ la đà trên mặt Hồ Gươm. Ngồi bên bờ hồ, chúng ta không thể xoắn xít với muôn vạn đôi co, chúng ta chỉ có thể lặng im, hít thở tất cả trong – veo này, và làm mát tấc lòng mình.
Không biết từ lúc nào, tôi thích viết những câu ngắn, giống như làm thơ. Tôi từ bỏ việc viết câu gì đó dài lê thê. Tôi thích dùng ẩn ý. Bài thơ đầu tiên tôi nhận được nhuận bút 30.000 đồng, được đăng ở báo Nhi Đồng, năm tôi 9 tuổi. 30.000 đầu tiên đó cao to huyền thoại biết mấy đối với một đứa trẻ…từ năm 9 tuổi, tôi ngỡ rằng mình sẽ lớn lên và kiếm sống bằng những bài thơ.
Hôm nay tôi viết một đoạn dài vì trời Sài Gòn lạnh lẽo quá, tôi còn quấn mình trong tấm chăn dày, và tôi nhớ Hà Nội – một Hà Nội chậm rãi.
Nếu có một chiếc phòng khám của riêng mình, mình thích không mặc áo blouse lúc thăm khám cho bệnh nhi.
Có một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bọn trẻ con sợ #áo_trắng kinh khủng, vì những bóng dáng ấy, sẽ làm cho các con đau.
Thông thường cơn đau đầu tiên được định hình do người khác gây ra là #đau_do_chích_ngừa. Phàm điều gì #lần_đầu cũng gây bất ngờ và không kịp ứng phó, nên đâm ra sợ hãi. Sau vài ba lần thì thành ra #ám_ảnh.
Lúc chúng ta đối đãi với con trẻ, chúng ta hay bỏ qua bước #tôn_trọng, bước #lý_giải, bước #giảm_đau. Chúng ta tự cho rằng con trẻ sẽ “quên thôi mà”, ừ thì quên nhưng sẽ rất dễ dàng xốc lên trong tiềm thức cơn hãi hùng tưởng đã trôi tuột đi đâu mất.
Chiếc áo blouse giống như #áo_giáp của người thầy thuốc về cả mặt chức năng lẫn ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu lúc nào chúng ta cũng giữ định kiến nọ trong mọi tình huống, sẽ gây ra #khổ_sở cho con trẻ.
Tôi thích mặc srub (quần áo thuận tiện sử dụng trong phòng mổ hay những đơn vị cách ly), và nếu có nhiều màu sắc khác nhau càng tốt, vừa sạch, dễ làm việc, lại không doạ bọn trẻ. Vậy nên mọi người hay thấy bác sỹ Linh trong bộ srub màu hồng . Hoặc bước ra bên ngoài, nếu cần tiếp xúc với các con, có thể chỉ là trong trang phục thông thường, giống ba, giống mẹ các con.
Những món đồ nghề thăm khám, sẽ chả bao giờ làm các con đau.
Và bác sỹ, cũng hông làm con đau bao giờ.
Chúng ta khi nào sẽ bước qua định kiến, để tất cả mọi người cùng hạnh phúc? Bác sỹ cũng được quyền được mặc đẹp mà nhân loại ơi!!!