Hôm qua mình đã có một cuộc trò chuyện rất bất ngờ từ một người trở ra từ khu cách ly Đại học Quốc gia.
Mình rất bất ngờ về những điều chân thật tới long lanh đôi mắt.
Sự long lanh của tuôn trào sẻ chia, của mỏi mệt chực tràn qua khoé miệng, của tất cả huy động những dạt dào ký ức.
Mình chỉ có đoạn ký ức về hậu phương, nơi có thể tiếp nhận những “nghi án”, nơi mà bọn mình mặc lên người bộ đồ bảo hộ chỉ trong những trường hợp cần thiết hay bắt buộc nếu có “nghi án”.
Thật may mắn vì sàng lọc kỹ càng mà số lượng “nghi án” này giảm thiểu ở mức tối đa, bọn mình ở chỗ phải làm việc không giảm công suất mấy so với các khoa khác, vì chuyện em bé ra đời có ai trì hoãn được đâu????
Dù vậy, bọn mình vẫn làm việc trong canh cánh và căng thẳng giữ gìn.rất canh cánh.
rất giữ gìn.
Điều mình hy vọng thật ra bé xíu xiu.
Mình không mong cầu cho thế giới hoà bình.
mình chỉ mong cầu bản thân đủ khoẻ mạnh về trí lực.
Thứ trí lực này giúp mình truyền cho Ba Mẹ của các con yêu sự tự tin bảo vệ con mùa dịch.
Trí lực này giúp mình thuyết phục họ hãy ở nhà và dành trọn thời gian cho con, như một cơ hội để chứng minh chỉ Ba Mẹ, chứ không phải một thế lực nào khác giúp con vượt qua mọi khó khăn mùa này.
Trí lực quan trọng lắm mọi người ạ.
Trí lực sẽ giúp bạn ngồi yên.
Trí lực sẽ giúp bạn không ngồi yên nhưng canh cánh giữ gìn.
chỉ có giữ gìn mới giúp chúng ta vượt qua cơn bỉ cực này.
Nếu ai nói Việt Nam làm quá trong chuyện giãn cách xã hội, thì hãy cảm ơn vì sự làm quá này… mà bạn không phải thấy hình ảnh những chiếc quan tài lênh lang khắp phố.
Bảo trọng.
Và ở yên trong nhà nhé
#stayhome#workfromhome
Source: Youtube – Lionman
Phân biệt bác sỹ Sản và bác sỹ Sơ sinh nhẹ nhẹ vui vui vì có Mẹ inbox mời mình đỡ sinh cho Bé, mình không có đỡ sinh được đâu mọi người ơi … (à thật ra cũng được ấy, nếu trong trường hợp bất khả kháng)
Chuyện là hình ảnh đăng trên story nhận được phản hồi là 83% người xem không biết là “vật thể” gì?!? Và 17% còn lại biết được danh xưng của vật thể này đa số là nhân viên y tế (có Ba Mây và Mo làm BS. Linh bất ngờ )
Nếu để cả 2 hình lên cùng lúc thế này chắc Ba Mẹ cũng đoán ra được rồi phải không?
“Vật thể lạ” này là giác hút để sinh giúp, Bác sỹ Sản sử dụng để hỗ trợ những Mẹ sinh khó, rặn không hiệu quả hay Mẹ có bệnh lý.
Chuyện sinh giúp này thật ra không có mới, nhưng dụng cụ để giúp sinh thì được cải tiến theo thời gian mọi người ạ, để giảm thiểu tối đa tai biến.
Bật mí là hồi nhỏ bác Linh cũng là một bạn nhỏ bị #sinh_hút. Vậy nên xin đừng đồn đại là sinh hút xong, đứa trẻ bị …. #không_thông_minh hay #chậm_phát_triển……
Mình cứ nhắc đi nhắc lại mình hông phải Bác sỹ Sản nên nếu mọi người hỏi mình chính xác chỉ định hay cách dùng, mình sẽ nói một cách rất là sách vở, vì mình hoàn toàn không có kinh nghiệm.
Nhưng mọi người hỏi Bác sỹ Sơ sinh về chuyện khám em bé sau sinh thì được nè, mình sẽ giải đáp trong phạm vi cho phép.
Như Ba Mẹ thấy trong ảnh 1 bên là giác hút chân không được cải tiến, mềm mại hơn trong việc gắn vào đầu con trẻ và hút kéo con ra.
Tuy nhiên, dù dụng cụ giúp sinh mềm mại mấy thì khi phải áp một lực nhất định vào đầu con, đều sẽ để lại vết hằn như hình bên cạnh, có thể tạo ra #bướu, nói tới đây là nhiều người hốt hoảng lên nè… hông sao hết, tính chất của cục bướu này hông có gì ghê gớm (có thể tạm hiểu như một kiểu sưng nề), đầu con sẽ tự điều chỉnh mà mình không cần làm gì hết (trừ một số trường hợp khó, bác sỹ Sơ sinh sẽ khám kiểm tra và theo dõi sát cho con yêu).
Tóm lại là, Bác sỹ Sản sẽ đỡ sinh.Và Bác sỹ Sơ sinh sẽ đón bé và chăm sóc con trong 28 ngày đầu đời.
Tóm cái nữa là sinh hút không có đồng nghĩa với #học_dở (nếu mà hiểu kiểu này thì may mà hồi nhỏ bị sinh hút, không chắc giờ bác Linh học lên tới cảnh giới gì ghê gớm lắm rồi ta ơi!)
Các Bác sỹ Sản lành nghề sẽ chỉ giúp sinh khi cần và cực kỳ khéo léo để mang con trẻ đến với cuộc đời.
Và Bác sỹ Sơ sinh đứng bên cạnh đón lấy con yêu từ Bác sỹ Sản, chào con, khám – kiểm tra ngay lập tức và giúp con nếu cần.
Tất nhiên những điều không may hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng từng phút từng giây, trân quý từng tích tắc để giữ cho con yêu xinh đẹp, khoẻ mạnh, đáng yêu và thông minh.
Cảm ơn Ba Mẹ đã mang con đến với cuộc đời, để các Bác sỹ được yêu thương muôn vạn lần trong cuộc đời.
#bsphuonglinh
Từ thuở món ngon cuộc đời xuất hiện ở trần gian, cỡ đầu những năm 2 ngàn, em đã may mắn được nếm trả mùi vị có một không hai trên đời, thế giới bé lại bằng 1 ly trà sữa.
Có lẽ tuổi nhỏ không gì sướng bằng có đủ tiền mua 1 ly trà sữa mật ong trân châu giá 18k ở trước cổng trường người ta, vì cổng trường mình không có bán. 18k là con số cực lớn nha mọi người, ly đặc biệt đó, còn ly thường giá nửa thôi.
Đến nay ngót nghét gần 20 năm theo dòng phát triển của trà sữa, là một fan hâm mộ đời đầu tất nhiên không thể bỏ qua bất kỳ một thương hiệu trà sữa đình đám nào của trần gian, em như một con nghiện không thua gì mấy em teengirl bị ném đá vì phải nhập viện … vì 1 ly trà sữa, lúc tin tức đó đồn đại khắp giang cư mận, là lúc em đau lòng thương xót như chứng kiến thần tượng của mình bị tẩy chay. Em ước gì được đứng ra tranh cãi cho trà sữa, trà sữa có thiệt sự gây nhiễm trùng huyết hay ung thư? Nghe mầu nhiệm quá vũ trụ ơi!?!
Tuy nhiên sau khi sự kiện tẩy chay nọ lắng xuống, món ngon cuộc đời vẫn chiếm vị trí độc tôn trong lòng thiên hạ. Và em như bao người, vẫn không thể thoát ly khỏi tình yêu dành cho món khoái khẩu – vật phẩm có thể khiến người ta đi từ thái cực khổ đau sang tinh thần sảng khoái cao độ, hay như với em là luôn “thức trọn đêm này” và tha hồ làm những việc chưa xong.
Song hành với việc không từ bỏ được món ngon cuộc đời, là cân nặng cứ không ngừng đâm chồi nảy lộc, các con số cứ phắn tung toé lên ngất ngưởng.
Đến nay em đã kiêng trà sữa được 1 tháng.
Thần kỳ!
Em xuống những 2.3 kilograms mọi người ạ!!!
Vì hiểu cảm giác thèm thuồng nhớ nhung này, nên khi các Mẹ nhắn tin hỏi em: “Bác sỹ ơi Mẹ cho con bú uống trà sữa được không?”
Bác sỹ Linh luôn trả lời: “Uống liền tù tì 3 ngày đi em cho đã thèm, và theo dõi da dẻ – phân – phản ứng của con, nếu có gì lạ báo bác sỹ và từ đó hẵng ngưng trà sữa hoàn toàn nhé!!!”
Thật ra cân nặng với người phụ nữ cũng như em bé vậy đó. Các con sẽ cho các Mẹ đủ động lực để nín nhịn mọi ham muốn ở trần gian.
Đâu có ai để con mình phải lên chàm hay ị máu vì trà sữa, phải không?
Chúc mừng xuống kí!
Filmphoto: mặt dễ thương và trà sữa
#bsphuonglinh
#bsnhi
#filmphoto
Vườn nhà rất rộng chiều lộng gió
Sáng nhận tin nhà có điều không yên, nên hộc tốc chạy về.
Sau xử lý công vụ, tư vụ,
Hiện đang ngồi tận hưởng gió mát chiều ở vườn nhà.
Ngoài kia vội vã quá,
gió ở vườn nhà lành lặn thổi Mấy em sinh viên nhắn tin, phụ huynh nhắn tin: Bác ơi dịch phức tạp, Bác bảo trọng.
#bảo_trọng mùa này là không phi xe ngoài đường, ngồi yên ắng gặm cây kem ở vườn nhà, nghe gió reo vui tai đến lạ.
#bảo__trọng mùa này là bớt tiếp xúc với đám đông, mà tiếp xúc với đám_không_đông cũng không còn an toàn nữa, chắc nên ngồi một mình với gió trời giống vầy mới an toàn.
Lời nhắn tới các em sinh viên thân yêu: nhà mình gió mát lắm, người nhà mình còn trộng cậy nhiều vào mình, thương gia đình mình đi các em. Thiết nghĩ giáo dục nước nhà có phần đanh thép quá, bọn trẻ không dám nghỉ học vì sợ cấm thi, các em đặt kỳ thi quan trọng hơn cả sức khoẻ của bản thân và người thân của mình. Đáng khen, đáng khen ….
Chắc phải bị cách ly, người ta mới thấy hết sự kỳ diệu của hai chữ #tự_tại
Gió chiều mát thật sự.
Thủ Đức – mùa dịch 03/2020
✪ Nhớ đăng ký kênh YouTube của mình xem đỡ buồn mùa dịch nhen: https://bit.ly/2Cw6uAz
Chuyện là mình hay đòi các Mẹ kết quả tầm soát sơ sinh của em bé (vì nó thật sự quan trọng và chắc mình sẽ có bài viết dài hơn về vấn đề này), nhưng đây là trang cá nhân nên mình đang chia sẻ về một quan điểm cực kỳ cá nhân thôi về #sự_đồng_bộ.
Sau khi đòi, Mẹ nào cung cấp được kết quả cho mình, thật sự mừng hết lớn.
Nhưng số này rất ít. Số khác hoặc không có do em bé sau sinh không được làm, hoặc do được tư vấn làm những gói siêu cao cấp nhưng đọc kết quả hoang mang cực độ và trong khoảnh khắc hoang mang đó, không biết xử lý tiếp thế nào cho hợp lý.
Trường y dạy nhiều người.
Nghề dạy nhiều người.
Gặp gỡ những người Thầy chính tông cầm tay chỉ việc âu cũng là điều may mắn của mỗi cá nhân.
Đến cuối cùng thì không có sự đồng bộ trong tư vấn và điều trị cho bệnh nhân.
Đòi hỏi điều này thật sự rất khó.
Nó thuộc tầm vĩ mô rồi…
Đến cuối cùng, thiệt thòi nhất vẫn nằm về phía người bệnh mà thôi.
Người bệnh có quyền lựa chọn những gì mình tin tưởng.
Giống y như người tiêu dùng cảm thấy có thể bị thuyết phục bởi nhà quảng cáo nào cho sự lựa chọn của mình.
Bảo người dùng phải tỉnh táo này kia, thiệt sự khó vô vàn.
Vì người dùng có nhu cầu nhưng không có chuyên môn. Làm gì có ai trên đời biết tuốt tuồn tuột như bách khoa toàn thư.
Kết là nhiều lúc chỉ mong mình không đơn độc trên con đường thuyết phục và năn nỉ người bệnh, người nhà người bệnh những điều được y học chứng minh, những điều mình được truyền dạy một cách chính thống.
Và mình luôn tin mình không đơn độc.
Có một sự nhớ những người anh em không hề nhẹ.
Photo: Cao học Nhi khoa 2018 và Thầy Bùi Quang Vinh – Đại học Y dược Tp.HCM
#bsphuonglinh
Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển, đơn côi một mình
Xưa giờ vẫn vậy,
Cuộc sống có hiện đại, có đổi mới ra sao, vẫn vậy.
Vì con ở trong bụng mẹ,
Mẹ sinh con ra,
Mẹ nằm trên bàn đẻ lạnh căm,
Cơn đau là của mẹ, chứ ai đau hộ phần này.
Trên đường về bên mẹ cha,
Con nói ra dũng cảm bội phần.
Con phải rời xa gian phòng kín
đã gần 300 ngày bảo vệ ngày đêm
Con phải rời xa dây rốn cho con nguồn sống
Nay con tự sống
Tự thở
Tự đối đầu với cuộc đời cam go
Nay con rời xa bụng mẹ
Ùa vào đời
Khóc
Giận
Buồn
Đau
Con nào sợ
Chỉ có người nhìn con, đợi con, mới sợ mà thôi.
Thương con
21/02/2020 – Sài Gòn
Đất nước vào xuân, mẹ cha đón đợi
Nhưng con không về
không được nắn sờ
không được vuốt ve
không được vỗ về an ủi
bàn tay trần, hơi ấm mẹ, không một phút giây được hưởng…
Bao vây cái nhìn đầu tiên về cuộc sống mới
là thứ gì cồng kềnh,
ngất ngưởng như người ngoài hành tinh,
một giống loài không giống con, không giống mẹ con, không giống kỳ vọng ước mong sau gần 300 ngày chờ đợi
Xứ sở gì buốt giá quá mẹ ơi,
Một mai con lớn có yêu thương mẹ,
yêu thương loài người,
như những bạn khác vừa ra đời đã ủ trong vòng tay của mẹ,
có giận dữ vì bao phen “lấy máu”có uất trầm vì cách biệt xung quanh
con nhớ mẹ,
mẹ ơi!
Loài người có mấy phen “hú vía”
Chỉ ước ao không chạm tới trẻ con
mẹ cha chúng héo mòn,
thầy thuốc héo mòn,
khủng hoảng.
Chống dịch không phải một ngày
không một tuần,
không chỉ là đồn thổi kháo nhau,
Là sự thật, là nỗi buồn nhân loại,
hãy ôm con và giữ gìn từng chút
Chích ngừa cũng ôm
Khám bệnh cũng ôm
Xoay mặt vào lòng mẹ cha không có bệnh
Không thể ở nhà nếu buộc phải bước ra
Đơn giản hãy ôm con với đôi bàn tay sạch
Lồng ngực sạchHãy cùng con trong trận chiến sống còn, vì những điều muôn thuở, không chỉ Corona.
Thương các con,
thương mẹ cha, mùa dịch.
BS. Đào Nguyễn Phương Linh
#bsphuonglinh
#corona
#chống_dịch
Sài Gòn những ngày #chống_dịch bỗng nhiên trở lạnh vì vắng hoe…
Cuộc sống bản chất vẫn đang sinh sôi nảy nở và tiếp diễn đằng sau khung cảnh yên ắng đấy
Con trẻ vẫn sinh ra mỗi ngày,Chúng tôi vẫn mỗi ngày tiếp nhận những bệnh lý muôn thuở
Chúng tôi vẫn cười vẫn nói vẫn động viên thân nhân bệnh nhi như xưa nay chúng tôi vẫn làm
Và có khi còn hơi “quạu”…
“Quạu” lúc các con trở nặng
“Quạu”
vì quá thương các con ra đời vào mùa dịch này”Quạu” vì mùa xuân nhưng Ba Mẹ các con lại rơi nước mắt lã chã
Nhìn ông bố đứng ngoài vách ngăn thì thầm nói chuyện với bé con ở xa tít trong cùng, thương vô hạn độ.
Thôi trời vẫn còn Xuân lắm, Ba Mẹ hãy tin vào miễn dịch mà chính Ba Mẹ đã trao cho các con qua da kề da, qua nuôi con bằng sữa mẹ, qua tự tay mình massage cho con nhé!
#Bớt tin vào những đồn thổi không có thực! Và đưa con đi khám khi cần nghe!
Tính đến nay vẫn chưa có em bé nào nhiễm #corona nha!
Chúng tôi #cách_ly chỉ vì đó là những bệnh cần phải cách ly như xưa nay vẫn thế thôi nè
Ba Mẹ sẽ là #hiệp_sỹ_chống_dịch của con nha!
#bsphuonglinh
#còntết
#sharingiscaring
Có cô bé “học trò” rất đáng yêu. Xưa giờ rất mê viết thư tay. Nhận được thư tay lại càng thích mê.
Quà Tết là bánh mứt gửi từ quê xuống. Có lá thư đi kèm.
Xúc động để lá thư ở đầu giường đã mấy hôm rồi.
Cuộc đời có lẽ chỉ cần có bấy nhiêu.
Mọi người thường sẽ thắc mắc bác sỹ này bác sỹ kia có giỏi chuyên môn không?
Thì tôi sẽ bảo tôi giỏi nhất chuyên môn “năn nỉ bệnh nhân”.
Lúc thì làm ơn đừng lo quá.
Lúc thì làm ơn lo dùm đi.
Lúc thì có cách này hay nè, có cách kia hay nè, chọn lựa nhanh đi, áp dụng nhanh đi…. kẻo con … lớn … mất.
Tôi tâm đắc với điều này trong một bộ phim về y khoa: Bệnh nhân cần #best_doctor hay #good_doctor?
Romantic doctor – Kim sư phụ trả lời là “Bệnh nhân cần bác sỹ nào điều trị cho họ tới nơi tới chốn. Chính anh phải thay đổi cho phù hợp với bệnh nhân mà anh điều trị.
“Cảm ơn các em đã đồng hành cùng Bác sỹ Linh trong một hành trình sẽ còn dài và rất xa trong việc chia sẻ với bệnh nhi và “năn nỉ” người nhà bệnh nhi.
Thành quả chúng ta có sẽ hơn cả tiền bạc.
Đó là một gói mứt nhà làm ngày Tết gửi từ nơi xa.
Đó là một chiếc clip quay em bé chúc Tết bác sỹ Linh – người con không kịp nhớ mặt, nhưng Ba Mẹ tuyệt đối bảo con phải nhớ về.Đó là cái ôm rất trìu mến của bạn nhỏ mấy hôm rồi còn khóc um sùm khi thấy áo blouse bác sỹ, nay tươi cười ôm và chúc Bác sỹ Linh sớm có chồng….
Không đong đếm nổi các em thân yêu ạ.
Và chúng ta sẽ có một thanh xuân tha hồ kể cho cháu con nghe.
Về muôn vạn cuộc đời khác chúng ta đã gặp. đã thương. đã gắn kết.
Chúc mừng năm mới!
#tuổithanhxuâncủatôi
#bsphuonglinh
Bây giờ là 02:33 phút, vừa được gọi đón một trong những em bé Heo cuối cùng của năm.
Có chút bâng khuâng lúc 02 giờ sáng.
Hồi nhỏ nhớ đọc được ở đâu đó, bạn đừng làm gì vào 02 giờ sáng, vì không tỉnh táo đâu.
Tôi đã quen những giấc ngắn – thậm chí cực ngắn. Vừa nằm đã bị gọi giật bắn dậy, rồi làm.
Làm gì? Làm ngành
Làm bác sỹ, chạy xồng xộc giữa đêm khuya. rồi thì hì hục nếu gặp phải case nào không may có chút nặng nề.
Cũng không có gì mới trong việc chạy xồng xộc giữa đêm khuya đối với người “làm ngành”,
chắc cũng nhiều người giống tôi, ngồi lặng giữa cái thanh vắng của đêm, nghe tiếng bơm của máy thở, nghe tiếng oe oe của bọn trẻ con khát sữa, rồi tức cảnh…
Thầy giáo Tom Hoang Minh Thong mới tặng cho tôi một quyển sổ rất đẹp với lời nhắn “Bà phải viết đi nghe chưa!!!”, ừ thì viết, viết là nghề của tôi mà…
nhưng quyển sách tôi ấp ủ sẽ xuất bản năm 18 tuổi, đã delay hơn chục năm nay, vẫn chưa chấp bút.
Hơn 10 năm trước,
Ở khoa Văn học, tôi có một đề cương còn bỏ ngỏ về văn học Phật giáo, hồi ấy tôi thích làm thơ. Tôi nghĩ tôi sẽ xuất bản một cuốn còn “best seller” hơn cả thơ của Nguyễn Thiên Ngân…
vì tôi đau khổ. những đau khổ của tuổi 18 mà ai cũng từng trải qua, rất dễ dàng để gảy nên những nốt nhạc đẹp đẽ của tuổi mộng mơ.
Tôi mộng mơ suốt một chặng.
ngơ ngác suốt một chặng.
Rồi tôi vào trường Y, như một sự hả hê cho thú vui học tập, học quá trời học, không làm bác sỹ cũng uổng, phải không 18 tuổi? Tôi đã học, học, học quá nhiều trong thập kỷ qua. bằng treo ở đầu giường xem ra đem cân ký bán ve chai cũng khá. Rồi đêm nay tôi ngồi lặng ở giường bệnh. tôi tự hỏi sự học của mình đem ra cống hiến được bao nhiêu cho những con người tôi dễ dàng yêu thương.
Tôi rất dễ yêu thương một em bé tôi không quen.
Tôi dễ yêu thương một bà Mẹ tôi không quen.
Tôi thấy tất cả đều thống khổ.
Sinh ra đã là mang tội thật chẳng sai chút nào.
Thống khổ bởi những định kiến – kỳ vọng xã hội.
Thống khổ vì sắp – sẽ “đa mang trong chặng tiếp của kiếp người”Bào thai sẽ thành em bé.
Người đàn bà sẽ thành bà Mẹ
.Người đàn ông sẽ thành ông Bố.
Cái này trong triết học gọi là #quy_luật
Con người chúng ta thường không thể thoát ra ngoài quy luật.
Quy luật tiến hoá của tâm hồn là gì?
Một đứa trẻ nằm tím ngắt trong lồng ấp.
Cha Mẹ con biết trước con bị tim bẩm sinh nặng.
biết trước con bị dị tật.
biết trước con bất thường nhiễm sắc thể.
Nhưng,
Họ vẫn sinh con ra.
Con nằm đó tím ngắt.
Bác sỹ nhìn con.
Lặng.
Người ta chia sẻ rần rần về những đứa con bị bỏ rơi.
Nhưng người ta không biết về những đứa con bỏ rơi Cha Mẹ.
Vậy đó,
cuộc đời sẽ còn đảo điên theo đúng quy luật của nó.và tôi chỉ là bác sỹ. tôi có trách nhiệm cưu mang sự sống tới giây phút cuối cùng.
#bsphuonglinh
#tuổithanhxuâncủatôi