Monthly Archives:

September 2020

MEMORIES

Tôi chưa có một đứa trẻ của riêng mình

September 2, 2020

Nay Vu Lan, tôi chưa về nhà.
Nay Vu Lan, tính nói chuyện hiếu nghĩa ở trần gian cho ra vẻ này kia kia nọ.
Song mọi sự không tự tâm mà ra, ắt sẽ thành sáo rỗng.
Cái trứng có trước hay con gà có trước là câu hỏi muôn thuở của nhân loại.
Ai rồi cũng sẽ đến lúc phải thực hiện một chức phận nào đó trong đời – một chức phận mà trước đó họ chưa từng đảm nhận. Đó là một bước ngoặt, một cuộc khám phá mới để nhận ra bản thân mình có những khả năng vô song nào đó mà trước đây chưa từng có. Rồi cũng chợt nhận ra những điều mình phản kháng với ba mẹ ngày xưa, giờ mình áp dụng cũng ít nhiều giống hệt lên con mình. Rồi tự vỡ ra, oà ra muôn vạn cung bậc. Rồi thấm thía. Rồi thương muộn. Hoá ra chỉ là thương muộn và chỉ có thể thương muộn.Và tôi vẫn chưa #thương_muộn.
Vì tôi chưa làm mẹ. Tôi chỉ đang đảm nhận chức phận của một #người_khách_quan.
Người khách quan nọ sẽ vỗ về được đứa trẻ của bạn một cách dễ dàng,
vào tay người khách quan, đứa trẻ nín thinh, trong khi mẹ của chúng không tài nào dỗ được.
Người khách quan ấp ủ đứa trẻ trong lòng không với bất kỳ một kỳ vọng nào, không hề có một chấp niệm nào. Hơi thở bình ổn sẽ điều hoà nhịp thở vội vàng bất ổn của đứa trẻ, để đưa con về trạng thái tĩnh lặng, chẳng cần núm vú, chẳng cần sữa.
Vì là người khách quan, có khi tôi thấy mình thờ ơ với tiếng khóc của con trẻ.
Nhiều nghiên cứu bảo rằng tiếng khóc của trẻ đánh động bản năng làm mẹ và giúp bà mẹ kích hoạt hàng loạt phản ứng tâm lý – hành vi một cách đáng kinh ngạc, và có khi vì vậy mà tạo ra những rối loạn nhất định. Nhưng phản ứng của người khách quan là hiểu một cách minh bạch rằng đứa trẻ cần gì, muốn gì và phải làm gì với chúng, hoàn toàn không bản năng.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy phiền lòng vì tiếng khóc của bọn trẻ.
Vì tôi chưa có một đứa trẻ … của riêng mình.
Tôi sẽ chảy nước mắt và thấy linh hồn kích động khi những đứa con trở nên bất ổn trong phiên trực của tôi. Nếu giải thích bằng tâm lý học, thì đây không phải là sự “đau thương vì mất mát” mà là sự “nghi hoặc về trình độ điều trị của bản thân”. Đó là sự thật.
Và đó cũng là sự khác biệt của một bà mẹ và một bác sỹ.
Tóm lại, Vu Lan, tôi chưa về nhà. Nhà tôi còn nhiều người phụ nữ ngóng trông.
Họ cứ mãi ngóng trông như họ luôn như vậy.
Và đến giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao.
#bsphuonglinh